Sữa đậu nành - Bắt kịp xu thế để là người dẫn đầu!
Cuối năm 2015, Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam công bố một báo cáo về thị trường sữa đậu nành trong nước, theo đó 84,2% thị phần là của Vinasoy, doanh nghiệp thuộc Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS).
Theo báo cáo kết quả kinh doanh của QNS 9 tháng đầu năm 2015, doanh thu từ mảng sữa đậu nành đóng góp tới gần 50% doanh thu cho toàn công ty.
Đậu nành, chỉ đậu nành thôi!
Nhiều năm qua, Vinasoy vẫn luôn là “cỗ máy kiếm tiền” hiệu quả với sản phẩm duy nhất là sữa đậu nành, đóng góp doanh thu chủ lực cho đường Quảng Ngãi.
Đại bản doanh đặt ở khúc ruột miền Trung ưu đãi ít, thiên tai nhiều, có lẽ khắc nghiệt đã quen, mầm đậu nành của Vinasoy âm thầm len lỏi đến mọi ngóc ngách trên khắp mọi miền đất nước. Năm 1998, Vinasoy “Bắc tiến” bởi nhận định đây là thị trường ưa chuộng các sản phẩm từ đậu nành nhất cả nước. Sau khi “cắm rễ” vững chắc và biến thị trường này thành thị trường trọng điểm với gần 50% thị phần, phải 10 năm sau Vinasoy mới tiến hành cuộc đổ bộ vào thị trường miền Nam (2008).
Khi Vinasoy đã xác định được ngách riêng cho mình, các đại gia ngành sữa khi đó vẫn còn mải miết chinh chiến giữa đại dương sữa tươi và sữa bột nguồn gốc động vật. Thế nên, khi nhiều ông lớn kịp nhận ra còn có một “đại dương xanh” đầy tiềm năng khai thác khác, thì Vinasoy đã cắm rễ vững chắc và đi vào cuộc sống người tiêu dùng như một thói quen sinh hoạt. Độc diễn trên thị trường trong suốt thời gian dài, Vinasoy nhanh chóng thâu tóm thị phần và chẳng phải khó nhọc cạnh tranh với thương hiệu cùng loại nào, ngoài “cách thủ công” của các bà nội trợ, một đối thủ không quá nặng ký trong bối cảnh cuộc sống công nghiệp ngày càng bận rộn và người tiêu dùng ngày càng hướng đến sự thuận tiện.
Bên cạnh Vinasoy, thị trường còn biết thêm vài thương hiệu khác như Vfresh và Goldsoy của Vinamilk và các sản phẩm đóng chai Soya Number One của Tân Hiệp Phát, Trisoy của Tribeco và sau này là Body Naturals của Pepsico… Pepsico hiện đã bỏ mảng kinh doanh sữa đậu nành, còn hầu hết các đối thủ còn lại đều không coi sữa đậu nành là sản phẩm chủ lực, ngoại trừ Tribeco. Bỏ xa các đối thủ, Vinasoy gần như đang độc chiếm thị trường đầy tiềm năng với mức tiêu thụ đứng thứ 3 thế giới với 613 triệu lít năm 2014, (theo số liệu nghiên cứu từ công ty chuyên cung cấp giải pháp đóng gói thực phẩm Tetra Pak, Thụy Điển).
Cũng theo Tetra Pak, chỉ 32% mức tiêu thụ sữa đậu nành tại Việt Nam là sản phẩm đóng hộp, còn lại vẫn do người tiêu dùng tự chế biến. Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại, người tiêu dùng ngày càng hướng đến sự tiện nghi, đại dương sữa đậu nành xem ra vẫn còn rộng mở và đầy tiềm năng.
Việc Vinasoy liên tục khởi công xây dựng nhà máy mới trong thời gian qua và gia tăng công suất sản xuất, không chỉ chứng tỏ tiềm năng của thị trường mà còn thể hiện áp lực dẫn đầu xu hướng, luôn đi trước đón đầu của người dẫn dắt thị trường. Việc đầu tư nhà máy tại Bắc Ninh, công suất 180 triệu lít/năm và mới đây nhất là khởi công xây dựng nhà máy tại Bình Dương (công suất 180 triệu lít/năm), càng chứng tỏ tham vọng tiếp tục dẫn dắt thị trường của Vinasoy.
Hiện tại các nhà máy sản xuất tại Quảng Ngãi và Bắc Ninh của Vinasoy đã hoạt động hết công suất thiết kế với 300 triệu lít sữa/năm, tương đương 1,5 tỷ sản phẩm. Dự kiến đến cuối 2016, khi giai đoạn 1 của nhà máy tại Bình Dương đi vào hoạt động, sẽ nâng công suất của Vinasoy lên 390 triệu lít/năm, tương đương với 2 tỷ sản phẩm.
Vinasoy đã liên tục mở rộng sản xuất và tiến dần ra hai đầu đất nước bằng việc xây dựng nhà máy công suất lớn ở từng thị trường trọng điểm. Điều này sẽ giúp việc phân phối sản phẩm đến các thị trường trọng điểm nhanh hơn và tiết giảm được rất nhiều chi phí. Việc đầu tư một nhà máy mới tại Bình Dương sẽ rút ngắn thời gian và khoảng cách vận chuyển sản phẩm đến người tiêu dùng miền Nam. “Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để đáp ứng nhu cầu của một thị trường năng động, cấp tiến và còn nhiều tiềm năng để phát triển”, ông Ngô Văn Tụ, Tổng giám đốc Vinasoy, khẳng định.
Thương hiệu – bản sắc của người dẫn đầu
“Di sản” cho ông Tụ khi về Nhà máy sữa Trường Xuân (tiền thân của Vinasoy) là một doanh nghiệp đã lỗ tới nửa số vốn đầu tư, sản lượng tiêu thụ chưa tới 1/5 công suất và lẽ dĩ nhiên là chới với bên bờ vực phá sản.
Ông Tụ đã nghiền ngẫm và tìm mọi giải pháp để cứu vãn nhà máy đang mấp mé ngày khai tử, trước hết là tìm nguồn gia công cho các nhãn hiệu khác như kem Wall, sản xuất nước tăng lực Lion… cốt để duy trì được sự sống cho doanh nghiệp. Mùa Giáng sinh năm 2001, chiếc phao cứu sinh đã đến với Trường Xuân khi sản phẩm sữa đậu nành Fami được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ chọn làm sản phẩm sữa đậu nành độc quyền cung cấp cho “Chương trình sữa học đường tại Việt Nam”. Chính nhờ sản phẩm này, Trường Xuân đã thoát hiểm ngoạn mục. Ông Tụ cùng với ban lãnh đạo Trường Xuân đã sắp xếp lại cơ cấu sản phẩm, cắt hết các sản phẩm từ sữa khác và chỉ giữ lại nhãn hiệu Fami, chuyên về đậu nành. Đọc nhiều sách về tiếp thị, xây dựng thương hiệu, ông Tụ sớm nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu trên con đường trở thành “người dẫn đầu”.
Chủ động gõ cửa 14 nhà tư vấn ở nhiều nơi với một mong mỏi duy nhất là được học hỏi về xây dựng thương hiệu một cách bài bản, cuối cùng một cách tình cờ mà may mắn, ông Tụ gặp được ông Richard Moore, một chuyên gia tư vấn chiến lược xây dựng thương hiệu và trở thành khách hàng đầu tiên của Richard Moore Associates tại thị trường Việt Nam. Việc bỏ ra 10.000 USD ở thời điểm đó để thuê tư vấn chứng tỏ quyết tâm của những người lãnh đạo công ty nói chung và cá nhân ông Tụ nói riêng trên hành trình xây dựng giá trị thương hiệu khi mà vấn đề bản sắc nhận diện thương hiệu ít được doanh nghiệp nội địa nào để ý đến.
Tìm được lối đi cho mình, năm 2005, công ty chính thức đổi tên thành Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy). Kể từ đó, các sản phẩm của Vinasoy có mặt trên thị trường đều thể hiện rõ bản sắc thương hiệu riêng. Báo cáo Asia Brand Power 2015 (sức mạnh thương hiệu ở khu vực châu Á) của công ty nghiên cứu thị trường Kantar toàn cầu cũng cho thấy, sữa đậu nành Fami của Vinasoy là một trong 4 thương hiệu thành công nhất trên thị trường Việt Nam.
Post a Comment