Nhãn sữa mập mờ, người tiêu dùng... bị lừa

Quảng cáo vượt quá sự thật, nhập nhằng trên nhãn sản phẩm nhằm “lòe” người tiêu dùng… là thực trạng thị trường sữa hiện tại ở VN.
Nhiều người tiêu dùng không thể biết được đâu là sữa tươi, đâu là sữa bột hoàn nguyên.
Đây là nhận định của các đại biểu tại cuộc giám sát chuyên đề về “Quản lý sữa tươi nguyên liệu và sản phẩm sữa dạng lỏng” do Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội thực hiện sáng nay (28-7).
“Có nhiều khảo sát cho thấy người tiêu dùng đang bị nhầm lẫn giữa sữa tiệt trùng và sữa tươi tiệt trùng” - ông Hoàng Công Trang, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần sữa TH, thừa nhận.

Sữa nào là sữa tươi?

Nguyên nhân, theo ông Trang, là “việc ghi thông tin trên bao bì nhãn mác đối với các sản phẩm sữa nước cũng chưa rõ ràng nên nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm sữa tươi và sữa dạng lỏng làm từ sữa bột còn nhiều hạn chế. Điều này gây ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm sữa tươi”.
Ông Hoàng Công Trang - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần sữa TH - khẳng định phần lớn người tiêu dùng sữa ở VN đang bị nhầm lẫn - Ảnh: Lê Kiên
“Khái niệm sữa tiệt trùng dùng để chỉ các sản phẩm chế biến từ sữa bột, hoặc sữa bột cộng với một phần sữa tươi và các nguyên liệu khác còn chưa chính xác, chỉ phản ánh được phương pháp xử lý nhiệt trong công nghệ chế biến, không phản ánh được bản chất nguyên liệu đầu vào (là yếu tố cơ bản làm nên sản phẩm), chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch về thành phần cấu thành của sản phẩm”.
“Điều này khiến người tiêu dùng không phân biệt được sữa tươi, sữa hoàn nguyên, sữa pha lại, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, nông dân chăn nuôi bò sữa, các doanh nghiệp sản xuất sữa tươi, không khuyến khích ngành chăn nuôi trong nước phát triển” - ông Trang phân tích.
Ông Trang kiến nghị “cần tách khái niệm “sữa tiệt trùng” hiện nay thành “sữa hoàn nguyên tiệt trùng” và “sữa pha lại tiệt trùng” theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.
Chỉ những sản phẩm được chế biến hoàn toàn từ sữa bò tươi nguyên chất, không bổ sung bất cứ nguyên liệu khác có nguồn gốc từ sữa (như nguồn béo từ sữa, đạm sữa, sữa bột) và các chế phẩm tương tự khác mới được gọi là sữa tươi”.

Đừng đánh lừa người tiêu dùng

Trong khi đó, ông Lê Văn Giang - cục phó Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế (cơ quan có thẩm quyền ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm sữa) - cho rằng quy chuẩn đã phân biệt cụ thể, rõ ràng hai loại sản phẩm “sữa tươi tiệt trùng” và “sữa tiệt trùng”.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
“Sữa tươi tiệt trùng là sản phẩm đã qua tiệt trùng, chế biến từ sữa tươi nguyên liệu (không bổ sung bất cứ thành phần nào của sữa), có thể bổ sung đường và nguyên liệu khác (nước quả, ca cao, cà phê, phụ gia thực phẩm). Trong khi đó, sữa tiệt trùng là sản phẩm đã qua tiệt trùng chế biến bằng cách bổ sung một lượng nước cần thiết vào sữa dạng bột, sữa cô đặc hoặc sữa tươi” - ông Giang nói.
Giám đốc điều hành Vinamilk Nguyễn Quốc Khánh cho rằng “các quy chuẩn hiện nay là phù hợp, cũng phù hợp với quy chuẩn chung của quốc tế. Đây là lý do mà sản phẩm của Vinamilk xâm nhập được các thị trường khó tính trên thế giới”.
Cung cấp thông tin cho đoàn giám sát, ông Tống Xuân Chinh, cục phó Cục Chăn nuôi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho biết: “Ở các nước phát triển như châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… thì sữa lỏng được sản xuất từ 100% sữa bò tươi nguyên liệu và được công bố rõ ràng, minh bạch trên bao bì ở tất cả các loại sữa lỏng”.
“Còn ở VN, tỉ lệ sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng sữa khoảng 28,3% năm 2014, còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài”. Ông Chinh “đề nghị quy định rõ từng sản phẩm chứa bao nhiêu phần trăm sữa tươi, thành phần gồm những gì để người tiêu dung nắm đầy đủ thông tin”.
Nhìn từ thực tế, vị đại diện Bộ Công thương phát biểu tại cuộc họp khẳng định “hầu hết nhãn sữa là quảng cáo quá đà”. Trước đây từng có tình trạng nhập sữa bột về nhưng dán nhãn là sữa tươi, bị dư luận phản ứng, cơ quan nhà nước can thiệp mới thôi.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
“Các hãng sữa đều quảng cáo là uống sữa của tôi mấy năm cao lên hẳn, rồi sữa chưa DHA uống sẽ rất thông minh. Tôi xin lỗi, thông minh chủ yếu là do di truyền và giáo dục, còn chiều cao thì cũng phải hàng chục năm mới chứng minh được” - vị này nói.

Trách nhiện quản lý ở đâu?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Hội Bảo vệ người tiêu dùng, cho rằng đưa ra hai khái niệm “sữa tiệt trùng” và “sữa tươi tiệt trùng” thì làm sao người tiêu dùng phân biệt được. “Đưa ra khái niệm gây nhầm lẫn là lỗi của nhà quản lý” - ông Hùng bình luận.
Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Trần Thị Quốc Khánh đề nghị Bộ Y tế sửa ngay các quy định có liên quan, không thể để tình trạng mập mờ trong câu chữ đánh lừa người tiêu dùng.
“Sữa tươi là sữa tươi, sữa bột pha lại là sửa bột pha lại, tại sao cứ phải dùng những khái niệm khác. Tôi là người dân VN, không hiểu sữa hoàn nguyên là gì, tôi phải biết đó là sữa bột pha lại. Nhãn sữa phải ghi rõ ràng để người tiêu dùng biết” - bà Khánh đề nghị.
“Nếu Bộ Y tế không kịp thời sửa thì ủy ban chúng tôi sẽ có văn bản gửi Chính phủ” - bà Khánh nói.
 Theo: Lê Kiên
 Nguồn: Tuổi Trẻ Online

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.