Start-up Trung Quốc: "Mua" văn phòng với giá 1 ly cà phê

Những con phố cũ, hay những con hẻm nhỏ ở Bắc Kinh đang nở rộ các "cửa hàng một điểm đến” nhằm phục vụ cho các doanh nhân khởi nghiệp. Ở đó, họ trả phí cho một ly cà phê và bắt đầu xây dựng sự nghiệp.

Mô hình One - Stop shop (cửa hàng một điểm đến) là không gian tích hợp các dịch vụ cần thiết trong một lĩnh vực để phục vụ mọi nhu cầu của khách hàng. Theo đó, một One - Stop shop dành cho khách hàng - là những người mới khởi nghiệp - không gian làm việc, dịch vụ tư vấn về pháp lý, nguồn nhân lực, tài chính, đầu tư và thông tin cho vay, tổ chức sự kiện và khu vực uống cà phê thư giãn.
Văn phòng chung cho doanh nhân start-up
Giới khởi nghiệp tại Trung Quốc rất ưa chuộng mô hình dịch vụ "văn phòng chung" để có thể ngồi làm việc, tìm gặp các đối tác, nhà đầu tư, hay chỉ đơn giản là một không gian để làm việc hiệu quả hơn. Tech Temple là một điểm đến thú vị, được giới khởi nghiệp Bắc Kinh yêu thích. Đó là một căn nhà 2 tầng với diện tích gần 2.000 mét vuông, tương đương 7 sân tennis, và có 280 chỗ ngồi.
"Điều bạn cần làm duy nhất là mang máy tính xách tay đến đây và bắt đầu làm việc", Akio Tanaka - đồng sáng lập Tech Temple chia sẻ với Forbes. Trong khi đó, Zhou Kang - nhà khởi nghiệp trẻ, khách hàng thân thiết của Tech Temple cảm thấy rất hài lòng khi làm việc trong không gian này.
"Đó là một văn phòng chung với không gian sáng tạo và độc đáo, nơi mọi người có thể chia sẻ ý tưởng và nhận được mọi giúp đỡ khi họ theo đuổi con đường lập nghiệp", Zhou Kang chia sẻ với CNBC.
tech tample start up doanhnhansaigon
Không gian làm việc rộng rãi, khá lý tưởng tại Tech Temple. Ảnh: Bloomberg
Một thực tế của những doanh nhân khởi nghiệp là họ không có chi phí để xây dựng những văn phòng lớn, trang bị các công nghệ hiện đại. Đồng thời, họ rất cần mở rộng mối quan hệ trong cộng đồng khởi nghiệp để tìm kiếm đối tác, nhà đầu tư hay nhận những lời khuyên, góp ý để hoàn thiện mô hình kinh doanh của mình.
Vì thế, mô hình "văn phòng chung" như Tech Temple trở nên rất hấp dẫn giới doanh nhân trẻ. Chỉ cần thuê một chiếc bàn với giá 1.600 nhân dân tệ (tương đương 258 đô la) mỗi tháng, họ có một không gian rộng rãi, điện, internet băng thông rộng, phòng họp, cũng như những nhà đầu tư đang ở xung quanh họ để mang đến những cơ hội hợp tác.
"Tech Temple cung cấp một hệ sinh thái khởi nghiệp nhỏ nhưng đầy đủ để các doanh nhân có thể giao lưu, tìm kiếm các mối quan hệ và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức để phát triển doanh nghiệp", CNBC bình luận.
Bùng nổ làn sóng mới của Trung Quốc
Trung Quốc muốn thúc đẩy tinh thần kinh doanh nhằm tạo động lực phát triển cho nền kinh tế đang suy giảm, khiến số doanh nghiệp mới gia tăng 19,4% so với năm ngoái, theo số liệu thống kê của chính phủ. Vì vậy, mô hình cà phê cung cấp không gian làm việc có thị trường rộng lớn.
Chính phủ Tập Cận Bình cũng nhận thấy, mô hình cà phê khởi nghiệp hỗ trợ rất hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của các start-up, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì thế, tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã có chuyến thăm quán cà phê 3W - một nơi lui tới rất thường xuyên của giới khởi nghiệp, nằm trong khu Zhongguancun Hi-Tech Development Zone ở Bắc Kinh, để ủng hộ sự phát triển của mô hình này.
Sự kiện đó đã thổi bùng một trào lưu mới tại Trung Quốc, mô hình quán cà phê dành cho giới khởi nghiệp mọc lên như nấm tại các trung tâm công nghệ cao ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến - những thành phố tập trung đông đảo lực lượng lao động trẻ đầy tham vọng, khao khát thành công trong lĩnh vực internet như gã khổng lồ Alibaba. Số lượng các quán cà phê theo mô hình này đã tăng từ 200 quán vào năm 2014 lên 1.000 quán vào năm 2015.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.